Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2010

ĐƯỜNG THÁI TÔNG

Đường Thái Tông (唐太宗,; 23 tháng 1 năm 599 – 10 tháng 7 năm 649), tên thật là Lý Thế Dân (李世民), là vị hoàng đế thứ hai của triều đại nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc, trị vì từ năm 626 đến 649. Ông là một vị vua tài ba, người đã thiết lập sự cường thịnh của Đại Đường.

Thân thế
Lý Thế Dân là con trai thứ hai của Đường Cao Tổ Lý Uyên - vị vua khai quốc Đại Đường. Mẹ ông là Thái Mục hoàng hậu.
Thống nhất Trung Quốc
Lý Thế Dân là người động viên cha đứng lên khởi nghĩa chống lại nhà Tùy tại Thái Nguyên năm 617 và là người chỉ huy quân đội đi thu phục hầu hết các vùng đất quan trọng bị chia rẽ sau khi thành lập nhà Đường, từ các đối thủ bao gồm: Tần Vương Tiết Nhân Cảo, Định Dương Khả hãn Lưu Vũ Chu, Trịnh Vương Vương Thế Sung và Hạ Vương Đậu Kiến Đức. Với sự dẫn dắt của nhà Đường nói chung và tài mưu trí thao lược của Lý Thế Dân nói riêng nên Trung Quốc đã dần thống nhất sau khi nhà Tùy sụp đổ. Thời Nhà Đường, Trung Quốc thịnh trị cả về văn hóa, kinh tế và chính trị nên được gọi là "Thịnh Thế Thiên Triều".
Sự biến cửa Huyền Vũ
Sự biến cửa Huyền Vũ (Huyền Vũ môn chi biến) là sự kiện tranh giành quyền lực giữa các con trai Đường Cao Tổ là Thái tử Lý Kiến Thành, Tần Vương Lý Thế Dân và Tề Vương Lý Nguyên Cát. Kiến Thành và Nguyên Cát liên minh chống lại Thế Dân, hai bên mâu thuẫn gay gắt.
Theo kế của các thủ hạ, Lý Thế Dân quyết định ra tay trước. Hôm đó ba anh em dự định vào trần tình với vua cha Lý Uyên xem ai phải trái. Lý Thế Dân ngầm đặt phục binh ở cửa Huyền Vũ, đợi lúc Kiến Thành và Nguyên Cát đi vào liền đổ ra giết chết cả hai. Đây là một vết đen trong đời Thế Dân, chẳng những anh và em ông bị giết, mà theo lệ, 5 người con trai của Kiến Thành và 5 người con trai của Nguyên Cát cũng bị hành hình, sợ họ sẽ trả thù cha.
Vua cha Cao Tổ sửng sốt trước sự biến, nhưng trước việc đã rồi, ông không thể trị tội nốt Thế Dân vì bản thân Thế Dân là người có công chinh chiến đánh dẹp để dựng lên cơ nghiệp nhà Đường, có nhiều uy tín với trăm quan và có vây cánh mạnh. Vì thế Đường Cao Tổ đã khôn khéo rút lui, nhường ngôi cho Thế Dân, lên làm Thái thượng hoàng, sống an nhàn tới cuối đời (mất năm 635).
Năm 626, Lý Thế Dân lên ngôi, tức là vua Đường Thái Tông.
Trị vì
Đối ngoại
Với Đột Quyết
Lý Thế Dân sau khi lên ngôi được 12 ngày, một dân tộc lớn mạnh ở phương Bắc là Đột Quyết phát binh xuống phía Nam, đánh đến phía bắc Tiện Kiều, sông Vị Thủy, cách Trường An 40 dặm. Để chứng tỏ thực lực của triều Đường, Thái Tông thân dẫn các vị đại thần, phóng ngựa ra bờ sông Vị Thủy trách mắng Đột Quyết đã làm trái những điều thỏa thuận, buộc Đột Quyết lại phải cam kết liên minh lần nữa và lui binh. Năm 629, Thái Tông sai Lý Tĩnh đem hơn 10 vạn đại quân Bắc phạt đánh Đột Quyết. Năm sau, quân Đường đánh bại Đột Quyết, bắt được trai gái 15 vạn người, bắt cả Khả hãn Hiệt Lợi. Đông Đột Quyết mất. Từ đó trở đi, Đường Thái Tông được Đột Quyết tôn làm Thiên Khả hãn.
Với người Hồi giáo
Nhà tiên tri Muhammad (570 - 632), người sáng lập đạo Hồi ở Ả Rập đã viết thư cho ba đại đế thế giới thời bấy giờ là hoàng đế Đông La Mã Heraclius, hoàng đế Ba Tư Khosrau II và Đường Thái Tông, buộc họ phải chấp nhận đạo Hồi, nếu không thì sẽ bị trừng trị. Nhận được thư, Đường Thái Tông cho người Ả Rập ở Trung Hoa được xây thánh đường đầu tiên của họ ở phía Đông.
Với Cao Ly
Bài chi tiết: Chiến tranh Cao Ly-Đường
Cuối thời Đường Thái Tông, nước Cao Ly có loạn: một vị đại thần tiếm ngôi, và đem quân đánh một nước nhỏ, Tân La, khiến Tân La phải cầu cứu nhà Đường. Thái Tông thân chinh đem quân đi đánh Cao Ly. Ông dùng cả hải quân và lục quân; một đạo vượt biển vào gần vàm sông Áp Lục, một đạo vòng vòng lên phía bắc theo đường bộ, đánh Liêu Dương. Quân Đường thắng được nhiều trận lớn, rồi vây thành An Thị ở bán đảo Liêu Đông. Sau 63 ngày, quân Đường không hạ nổi thành, phải rút lui về.
Cuộc chiến này không đạt mục đích trừng trị loạn thần tiếm ngôi mặc dù chiếm được Liêu Dương và nhiều thành khác, bắt 7 vạn người Cao Ly làm nô lệ. Theo lệ, 7 vạn nô lệ đó sẽ được chia cho tướng sĩ, nhưng nhà vua không nỡ, thấy họ khóc lóc thảm thiết vì cha con vợ chồng phải chia ly, nên bỏ tiền ra chuộc họ và cho họ định cư ở Trung Quốc, kiếm việc làm ăn.
Đối nội
Sau khi Đường Cao Tổ qua đời, Thái Tông thả ngay 3.000 cung nữ của Cao Tổ, cho về với cha mẹ.
Đường Thái Tông là vị vua giỏi việc cai trị quốc gia. Ông thực hành một loạt chính sách giảm nhẹ sưu thuế, thúc đẩy sản xuất. Ông nói:
“Muốn làm vua được tốt, cần trước tiên để trăm họ sống nổi. Nếu vì mình mà làm tổn hại đến trăm họ, giống như cắt thịt đùi ăn vào bụng, bụng no thì người cũng chết.”
Đầu đời Trinh Quán, các địa phương ở Quan Trung liên tục 3 năm xảy ra tai nạn, Thái Tông hạ lệnh mở kho phát chẩn cho dân. Kết quả, sau nạn đói, mọi nhà vẫn còn lương ăn. Thái Tông còn hạ lệnh lấy vàng bạc, vải lụa trong kho của hoàng gia chuộc những nạn dân phải bán mình làm nô tì.
Đường Thái Tông chú ý cất nhắc nhân tài. Một lần ông phát hiện có một viên quan trình lên một bản sớ tấu viết rất hay, hỏi ra mới biết do một người không có bất kỳ chức vị gì tên Mã Chu viết, Thái Tông lập tức chọn ông ta làm quan, thăng thẳng lên đến Tể tướng. Đường Thái Tông biết Tể Tướng Phong Đức Di vì không tìm được nhân tài mà suốt ngày buồn rầu than thở, liền nói với ông ta:
Dùng người như sử dụng đồ vật, mỗi người chọn lấy sở trường của họ, thì đâu có thiếu nhân tài kỳ sĩ. Lẽ nào thời thịnh trị ngày xưa lại phải mượn lấy nhân tài ở một thời đại khác? Đó chẳng qua là khanh không khéo biết người đó thôi.
Đường Thái Tông rất thích câu nói cảnh giới của đại thần Nguỵ Trưng: “Nghe rộng thì sáng, nghe thiên lệch thì tối”, cho nên khi cùng tể tướng bàn việc đều gọi gián quan tham gia; đối với người dám chỉ ra sai lầm của vua, có khi còn đặc cách khen thưởng. Ông từng nói với quan viên 3 tỉnh (cơ quan nhà nước cấp cao):
Theo chỉ ý của ta mà làm, không có một câu ý kiến bất đồng thì làm thế nào được? Từ nay về sau, nếu có chiếu sắc không thích hợp, cần chỉ ra, không được biết mà không nói.
Ở thời kỳ đầu Trinh Quán, Đường Thái Tông đúng là giỏi việc cai trị, nhưng cuối đời ông lại sống theo cách xa hoa, xây dựng ngày một nhiều. Đối với lời can gián, có khi cũng không chịu nghe. Về điểm này, ông cũng có nhận ra. Trước khi chết một năm, ông nói với Thái tử Lý Trị:
“Một đời mình tuy công lớn hơn lầm lỗi, nhưng “nếu đem so sánh với tận thiện tận mỹ thì còn rất đáng hổ thẹn.”
Theo truyền thuyết, nhà sư Đường Huyền Trang (Đường Tăng) đi Tây Thiên lấy kinh được ông kết làm huynh đệ.
Qua đời
Năm 649, Đường Thái Tông nên qua đời, hưởng thọ 51 tuổi, được truy tôn miếu hiệu là Thái Tông, thụy hiệu Văn hoàng đế, táng tại Chiêu lăng.
Đời Đường Thái Tông chỉ đặt 1 niên hiệu là Trinh Quan (626 – 649).
Thái tử Lý Trị lên thay, tức là Đường Cao Tông.
Gia quyến
Cha, mẹ
Cha: Đường Cao Tổ Lý Uyên
Mẹ: Thái Mục hoàng hậu Đậu thị, con gái của Đậu Nghị.
Vợ
Hoàng hậu
Trưởng Tôn hoàng hậu sinh ba con trai là Lý Thừa Càn, Lý Thái, Lý Trị (Đường Cao Tông)
Phi tần
Vi quý phi Vi Khuê, con là Kỷ vương Lý Thận, sau khi Trưởng Tôn hoàng hậu chết, công việc hậu cung do bà cai quản.
Dương quý phi, Dương phi, con là Triệu vương Lý Phúc.
Yến đức phi, con là Việt vương Lý Trinh, Cao Tông tôn phong làm Việt quốc thái phi.
Từ hiền phi, tên là Từ Huệ, ban đầu là tài nhân, tiệp dư tiến phong thành chiêu dung. Khi Thái Tông chết, Từ Huệ chết theo, truy phong làm hiền phi.
Dương phi, con gái của Tùy Dạng đế, con trai là Ngô vương Lý Khác.
Âm tần, nguyên phong là Âm Đức phi, do con trai là Tề vương Lý Hữu mắc tội, giáng làm Âm tần.
Dương tiệp dư, con gái thứ ba của Dương Cung Đạo[7]
Tiêu mĩ nhân, con gái thứ hai của Tiêu Thước
Thôi tài nhân, trưởng nữ của Thôi Hoành Đạo
Tiêu tài nhân, con gái thứ hai của Tiêu Khanh
Võ tài nhân Mỵ Nương hay Võ Tắc Thiên
Vương thị, con trai là Tương vương Lý Uẩn
Dương thị (nguyên là vợ Tề vương Lý Nguyên Cát), con trai là Tào vương Lý Minh.
Con cái
Trai
Thường Sơn quận vương → Trung Sơn quận vương → hoàng thái tử Lý Thừa Càn, mẹ là Trưởng Tôn hoàng hậu, sau bị phế làm thứ dân, sau khi chết được khôi phục lại làm Thường Sơn mẫn vương
Sở vương Lý Khoan (mẹ không rõ, chết sớm)
Trường Sa quận vương → Hán vương → Thục vương → Ngô vương → Định Nam quận vương→ phế làm thứ dân[9] → Uất Lâm vương Lý Khác (mẹ là Dương phi, con gái của Tùy Dạng đế)
Nghi Đô quận vương → Vệ vương → Việt vương → Ngụy vương → giáng làm Đông Lai quận vương → Thuận Dương quận vương → Bộc Cung vương Lý Thái (mẹ là Trưởng Tôn hoàng hậu)
Nghi Dương quận vương → Sở vương → Yên vương → Tề vương Lý Hữu (mẹ là Âm phi, sau có tội bị phế làm thứ dân)
Lương vương → Thục vương → biếm làm thứ dân[10] → Phù Lăng quận vương → Thục Điệu vương Lý Âm (mẹ là Dương phi)
Đàm vương → Tương vương Lý Uẩn (mẹ là Vương thị)
Hán vương → Nguyên vương → Việt vương Lý Trinh [11] Mẹ là Yến phi)
Tấn vương → hoàng thái tử → Cao Tông Lý Trị (mẹ là Trưởng Tôn hoàng hậu)
Thân vương → Lỷ vương Lý Thận[12] (mẹ là Vi phi)
Giang thương vương Lý Hiêu (mẹ là Yến phi, chết sớm)
Đại vương Lý Giản (mẹ không rõ, chết sớm)
Triệu vương Lý Phúc (mẹ là Dương phi)
Tào vương Lý Minh (mẹ nguyên là vợ của Lý Nguyên Cát, tức Sào Lạt vương phi Dương thị)
Gái
Đường Thái Tông có 21 con gái
Công chúa Tương Thành (lấy Tiêu Duệ, sau lại lấy Khương Giản)
Công chúa Nhữ Nam (chết sớm)
Công chúa Nam Bình (lấy Vương Kính Trực, sau lại lấy Lưu Huyền Ý)
Công chúa Toại An (lấy Đậu Quỳ, sau lại lấy Vương Đại Lễ)
Công chúa Trường Lạc (mẹ là Trưởng Tôn hoàng hậu, lấy Trưởng Tôn Xung)
Công chúa Dự Chương (mẹ mất sớm, do Trưởng Tôn hoàng hậu nuôi dưỡng, lấy Đường Nghĩa Thức)
Công chúa Ba Lăng (lấy Sài Lệnh Vũ, sau bị ép tự sát, truy phong làm công chúa Tỉ Cảnh)
Công chúa Phổ An (lấy Sử Nhân Biểu)
Công chúa Đông Dương (mẹ là Trưởng Tôn hoàng hậu, lấy Cao Lý Hành)
Công chúa Lâm Xuyên (mẹ là Vi quý phi, lấy Chu Đạo Vũ)
Công chúa Thanh Hà Lý Kính (còn có tên là Đức Hiền, lấy Trình Hoài Lượng)
Công chúa Lan Lăng Lý Thục (còn gọi là Lệ Trinh, lấy Đậu Hoài Chiết)
Công chúa Tấn An (lấy Vi Tư An, sau lại lấy Dương Nhân Lộ)
Công chúa An Khang (lấy Độc Cô Mưu)
Công chúa Tân Hưng (lấy Trưởng Tôn Hy)
Công chúa Thành Dương (mẹ là Trưởng Tôn hoàng hậu, lấy Đỗ Hà, sau lấy Tiết Quán). Con trai là Tiết Thiệu sau này lấy công chúa Thái Bình.
Công chúa Cao Dương (mẹ mất sớm, do Trưởng Tôn hoàng hậu nuôi dưỡng, lấy Phòng Di Ái, sau bị ép phải tự sát, truy phong làm công chúa Hợp Phố
Công chúa Kim Sơn (chết sớm)
Công chúa Tấn Dương (tên là Minh Đạt, mẹ là Trưởng Tôn hoàng hậu, sau mẹ chết do Đường Thái Tông tự thân nuôi dưỡng, chết năm 12 tuổi)
Công chúa Thường Sơn
Công chúa Tân Thành (mẹ là Trưởng Tôn hoàng hậu, trước lấy Trưởng Tôn Thuyên, sau lại lấy Vi Chánh Củ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét